1. Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Việt Hoàng 2. Giới tính: Nam
3. Ngày sinh: 27/01/1985 4. Nơi sinh: Thanh Hoá
5. Quyết định công nhận nghiên cứu sinh: Quyết định 1806/QĐ-XHNV ngày 29/6/2018 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
6. Các thay đổi trong quá trình đào tạo (nếu có): Gia hạn thời gian nghiên cứu đến 29/6/2023.
7. Tên đề tài luận án: Xu hướng du lịch của thế hệ Z ở Việt Nam (Nghiên cứu xu hướng sử dụng ứng dụng di động trong du lịch).
8. Chuyên ngành: Du lịch 9. Mã số: 981010.01
10. Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Nguyễn Phạm Hùng
11. Tóm tắt các kết quả mới của luận án:
- Mục đích nghiên cứu: Nghiên cứu được thực hiện nhằm kiểm tra mức độ ảnh hưởng của các đặc điểm tính cách của thế hệ Z đối với ý định sử dụng các ứng dụng di động trong du lịch, viết tắt là TMAs (tourists mobile applications) bằng cách áp dụng mô hình chấp nhận và sử dụng công nghệ (TRAM) được đề xuất trước đó bởi Lin và cộng sự (2007); qua đó đưa ra các hàm ý quản trị góp phần hoàn thiện các TMAs, đồng thời hướng tới sự phát triển du lịch thông minh, nâng cao khả năng thu hút và làm thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch thế hệ Z trong thời đại CMCN 4.0 qua nghiên cứu thực nghiệm những hành vi, trải nghiệm các TMAs của thị trường khách du lịch tiềm năng này.
- Đối tượng nghiên cứu: Xu hướng sử dụng ứng dụng di động trong du lịch của khách du lịch thế hệ Z ở Việt Nam.
- Các phương pháp nghiên cứu đã sử dụng
Để hoàn thành các mục tiêu nghiên cứu, đề tài được thực hiện bằng cách tiếp cận liên ngành du lịch – xã hội học – tâm lý học – kinh tế học – quản trị kinh doanh – marketing một cách đồng thời nhằm phát hiện các vấn đề cơ bản của nội dung nghiên cứu. Các phương pháp nghiên cứu chính được áp dụng gồm phương pháp phân tích trắc lượng học và phương pháp phân tích nội dung, phương pháp phỏng vấn nhóm, phương pháp chuyên gia, phương pháp điều tra bằng bảng hỏi. Ngoài ra, các giả thuyết nghiên cứu được kiểm chứng bằng phương pháp Mô hình cấu trúc tuyến tính (Structural Equation Modeling – SEM). Quá trình nghiên cứu được thực hiện qua 02 giai đoạn, bao gồm giai đoạn nghiên cứu khám phá và giai đoạn nghiên cứu thực nghiệm.
- Các kết quả chính
+ Luận án đã kế thừa và phát triển các biến đo lường các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng TMAs của thế hệ Z ở Việt Nam gồm 43 thành phần, chia làm 9 nhóm: Sự lạc quan (6 thành phần), tính đổi mới (5 thành phần), sự khó chịu (5 thành phần), sự bất an (5 thành phần), cảm nhận tính hữu ích (5 thành phần), cảm nhận tính dễ sử dụng (5 thành phần), niềm tin (4 thành phần), thói quen (4 thành phần), ý định sử dụng (4 thành phần).
+ Luận án đã nghiên cứu, tổng hợp được hệ thống lý thuyết, cơ sở lý luận về xu hướng du lịch, thế hệ Z và thế hệ Z ở Việt Nam, các ứng dụng di động dành cho khách du lịch; từ đó xác định được các nhóm chủ đề và khoảng trống nghiên cứu liên quan tới đề tài này.
+ Dựa vào quy trình nghiên cứu đề xuất bởi Lin, Shih và Sher (2017), luận án đã kế thừa và phát triển biến đo lường các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng TMAs của thế hệ Z ở Việt Nam gồm 43 thành phần, chia làm 9 nhóm: Sự lạc quan (6 thành phần), tính đổi mới (5 thành phần), sự khó chịu (5 thành phần), sự bất an (5 thành phần), cảm nhận tính hữu ích (5 thành phần), cảm nhận tính dễ sử dụng (5 thành phần), niềm tin (4 thành phần), thói quen (4 thành phần), ý định sử dụng (4 thành phần).
+ Luận án đã đánh giá thực nghiệm được các đặc điểm hành vi của thế hệ Z ở Việt liên quan đến xu hướng sử dụng ứng dụng di động dành cho khách du lịch.
+ Luận án đã kiểm chứng được mối quan hệ giữa các yếu tố thuộc TRI (chỉ số sẵn sàng công nghệ), TAM (sự chấp nhận công nghệ) và ý định sử dụng công nghệ của thế hệ Z ở Việt Nam. Cảm nhận tính hữu ích, cảm nhận tính dễ sử dụng và thói quen là những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp tới ý định sử dụng công nghệ của thế hệ Z ở Việt Nam; trong khi đó, các đặc điểm liên quan đến TRI không hề có ảnh hưởng.
- Đóng góp mới của luận án
+ Về mặt lý luận:
Thứ nhất, đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam thực hiện phân tích đặc khách du lịch thế hệ Z và phân tích xu hướng sử dụng ứng dụng di động trong du lịch của thế hệ Z ở Việt Nam.
Thứ hai, dựa vào quy trình nghiên cứu đề xuất bởi Lin, Shih và Sher (2017), luận án xây dựng và phát triển các biến đo lường các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng TMAs của thế hệ Z ở Việt Nam gồm 43 biến đo lường được chia thành 9 nhóm: Sự lạc quan, sự đổi mới, sự khó chịu, sự bất an, cảm nhận tính hữu ích, cảm nhận tính dễ sử dụng, niềm tin, thói quen, ý định sử dụng.
Thứ ba, luận án áp dụng mở rộng mô hình TRAM để kiểm định sự sẵn sàng và chấp nhận sử dụng các ứng dụng di động dành cho khách du lịch của thế hệ Z ở Việt Nam. Việc kết hợp hai mô hình để xây dựng mô hình TRAM là một cách làm mới, chưa được áp dụng phổ biến trong lĩnh vực du lịch; ngoài ra, nghiên cứu bổ sung thêm 2 yếu tố mới là “Niềm tin” và “Thói quen sử dụng công nghệ” góp phần làm rõ hơn đặc điểm tính cách của thế hệ Z ở Việt Nam là thế hệ của những người khám phá, thích sự sáng tạo. Đặc biệt, quan điểm động lực – hình thái (hay còn gọi thuyết lịch sử - viễn cảnh) được đề xuất bởi Nguyễn Phạm Hùng (2020) được áp dụng để giải thích cho những đặc điểm trong xu hướng sử dụng ứng dụng di động trong du lịch của thế hệ Z ở Việt Nam.
+ Ý nghĩa về thực tiễn:
Một là, luận án đã đánh giá thực nghiệm được các đặc điểm hành vi của thế hệ Z ở Việt Nam liên quan đến việc sử dụng ứng dụng di động trong du lịch; qua đó xác định được các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng ứng dụng di động dành cho khách du lịch của thế hệ Z ở Việt Nam, góp phần giúp cho các doanh nghiệp du lịch, các điểm đến, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch có cái nhìn toàn diện về thị trường khách du lịch thế hệ Z.
Hai là, luận án đề xuất được các hàm ý quản trị cho các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các điểm đến du lịch và các doanh nghiệp du lịch; từ đó góp phần thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam trở thành môi trường du lịch “thông minh” toàn diện, đón đầu được thị trường khách hàng tiềm năng như Gen Z.
- Kết luận
+ Trong bối cảnh hiện nay, có nhiều xu hướng du lịch xuất hiện; một trong những xu hướng du lịch nổi bật nhất của thế hệ Z ở Việt Nam đó là xu hướng sử dụng các ứng dụng di động dành cho khách du lịch (TMAs). Những ứng dụng này góp phần quan trọng trong việc tăng cường những trải nghiệm “thông minh”, cung cấp những dịch vụ, tiện ích du lịch một cách “thông minh”, tiện lợi cho du khách; đồng tạo giá trị sản phẩm, dịch vụ du lịch cho doanh nghiệp du lịch và các điểm đến du lịch.
+ Thế hệ Z là một thế hệ đầy tiềm năng với những cá tính khác biệt so với các thế hệ khác. Thói quen sử dụng công nghệ, thói quen trong cuộc sống thường ngày và những cảm nhận của họ về tính hữu ích và tính dễ sử dụng của các TMAs đóng vai trò rất quan trọng trong việc kéo dài xu hướng này, buộc các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp du lịch và các điểm đến du lịch phải thực sự thấu hiểu, thường xuyên cập nhật để đáp ứng tối đa nhu cầu của họ bởi hơn bất cứ thế hệ nào, họ là người lạc quan, thích sự đổi mới, sáng tạo; họ rất nhạy cảm và luôn quan tâm đến những rủi ro, biến cố có thể xảy ra.
+ Những rào cản ảnh hưởng đến sự sẵn sàng và chấp nhận sử dụng TMAs của gen Z gồm: như niềm tin, cảm nhận tính hữu dụng, sự bất an của bản thân người sử dụng, chất lượng hạ tầng viễn thông, tính dễ sử dụng của ứng dụng, chất lượng thông tin cung cấp trên các ứng dụng chưa đáp ứng được kỳ vọng của người sử dụng, có quá nhiều ứng dụng cùng loại đang xuất hiện trên thị trường gây nhiễu loạn thông tin cho người sử dụng… Đặc biệt, các ứng dụng do cơ quan quản lý nhà nước được đánh giá là những ứng dụng đơn điệu, chưa có sự đổi mới sáng tạo, thông tin chưa hấp dẫn…
+ Việc áp dụng mô hình TRAM góp phần kiểm định mối quan hệ giữa sự sẵn sàng và chấp nhận công nghệ đối với ý định sử dụng TMAs của thế hệ Z ở Việt Nam. Kết quả này là cơ sở để luận án đưa ra những hàm ý quản trị cho các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các điểm đến du lịch và các doanh nghiệp du lịch; góp phần thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam trở thành môi trường du lịch “thông minh” toàn diện, đón đầu được thị trường khách hàng du lịch tiềm năng như Gen Z ở Việt Nam.
12. Các hướng nghiên cứu tiếp theo:
Các xu hướng du lịch nổi bật khác của thế hệ Z ở Việt Nam; đ ặc điểm hành vi sử dụng ứng dụng di động của thế hệ Z ở Việt Nam so với các tập khách hàng thuộc thế hệ khác trong nước và ở nước ngoài; sự khác nhau trong hành vi sử dụng TMAs của thế hệ Z ở các tỉnh, thành phố, khu vực khác nhau…
13. Các công trình công bố liên quan đến luận án:
(1). Nguyễn Việt Hoàng, Nguyễn Thị Loan, Nguyễn Phạm Hùng (2023), “Hành vi sử dụng ứng dụng di động trong du lịch của thế hệ Z: Kết quả khảo sát tại Việt Nam”, Tạp chí nghiên cứu Tài chính Kế toán Kỳ 1 tháng 4 (237), tr. 51-57.
(2). Nguyen Thi Loan, Nguyen Viet Hoang (2023), “Gen Z’s travel trend and behavior: A systematic literture review”, Journal of Economics, Finance and Management Studies Vol. 6 (4), pp. 1511-1519,
http://dx.doi.org/10.47191/jefms/v6-i4-13.
(3). Nguyen Viet Hoang, Nguyen Pham Hung (2021), “Demand trends in HORECA services during Covid-19 pandemic: An investigation of Gen Z customers in Vietnam”, Proceeding of the International Conference TED-2021 (8/2021), Communication and Information Publishing House, pp.27-37.
(4). Nguyen Viet Hoang, Truong Thi Xuan Dao, Pham Huong Trang, Tran Duc Thanh, Nguyen Pham Hung (2021), “Travel Intention to Visit Tourism Destinations: A Perspective of Generation Z in Vietnam, Journal of Asian Finance, Economics and Business Vol. 8 (2), pp. 1043-1053, doi:10.13106/jafeb.2021.vol8.no2.1043.
(5). Nguyễn Việt Hoàng, Nguyễn Thị Hồng (2019), “Nhu cầu du lịch của thế hệ Z tại thành phố Thanh Hóa”, Tạp chí Du lịch Việt Nam (7), tr. 54-56.
(6). Nguyễn Việt Hoàng, Phạm Hồng Long (2019), “Cách mạng công nghiệp 4.0, những thay đổi, thời cơ và thách thức đối với ngành du lịch Việt Nam”, Kỷ yếu hội thảo khoa học Quốc gia: Đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 (Trường Đại học Khánh Hòa và Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam), NXB Văn học, Hà Nội, pp. 181-187.